PHÂN LOẠI ĐẤT VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TRỒNG CÂY. LÀM SAO ĐẤT TRÁNH NÉN DẼ ĐẤT?
Là quốc gia gắn liền với nền nông nghiệp qua hàng ngàn năm, trải dài từ Bắc đến Nam là những vùng chuyên canh và luân canh cây trồng đa dạng, chính vì thế có thể dễ dàng hiểu rằng đất trồng trọt, canh tác ở Việt Nam cũng rất đa dạng theo từng địa hình, khu vực.
Trong bài viết sau đây, mời bà con nông dân cùng tìm hiểu chi tiết về các loại đất trồng ở Việt Nam.
ĐẤT TRỒNG LÀ GÌ?
Để hiểu về các loại đất trồng cây, đầu tiên chúng ta phải hiểu “đất trồng là gì?”
Đất trồng là là lớp đất trên vỏ trái đất, cung cấp oxi, chất dinh dưỡng và nước giúp thực vật có thể sinh sống và bám trụ vững chắc trên đó mà không bị đổ ngã.
Đất trồng có 3 thành phần chính:
- Phần rắn: Cung cấp chất vô cơ và hữu cơ cho cây.
- Phần lỏng: Cung cấp lượng nước đầy đủ cho cây, giúp cây phát triển khoẻ mạnh.
- Phần khí: Cung cấp các loại khí Oxi, Nitơ, CO2 cho cây.
Một loại đất trồng được xem là đất trồng tốt phải đáp ứng đủ các phần rắn, lỏng, khí theo tỷ lệ: 40% chất rắn, 30% nước, 30% không khí.
CÁC LOẠI ĐẤT TRỒNG CÂY
1. Đất thịt
Đất thịt là loại đất mang tính trung gian giữa đất cát và đất sét với thành phần từ 25% đến 50% là cát, 30% đến 50% là mùn và 10% đến 30% là sét.
Đất thịt có thành phần cơ giới nhẹ với đầy đủ 3 cấp hạt cát, limon, sét.
Đất thịt cũng được chia thành 3 loại: đất thịt nhẹ, đất thịt trung bình và đất thịt nặng.
+ Đất thịt nhẹ có tỷ lệ cát lớn hơn thành phần limon và sét.
+ Đất thịt nặng thì ngược lại, sẽ có tỷ lệ thành phần cát giảm và sét tăng.
+ Đất thịt trung bình là loại tốt nhất trong 3 loại và phù hợp với nhiều loại cây trồng.
Ưu điểm của đất thịt
+ Dễ dàng cày bừa, làm đất và bón phân.
+ Đất thịt nhẹ và đất thịt trung bình có chế độ điều hoà thuận lợi nước, nhiệt độ và không khí trong quá trình lý hoá diễn ra.
+ Thích hợp trồng cho đa số các loại cây.
+ Đất không bị vỡ khi nén thành khối.
Nhược điểm của đất thịt
+ Dễ bị ẩm hoặc úng nước nếu tưới hoặc mưa nhiều.
Cây trồng phù hợp
Đất thịt phù hợp với hầu hết các loại cây trồng từ rau màu đến hoa quả như:
+ Các loại cây gia vị: chanh, ớt, hương thảo, rau thơm, …
+ Cây dược liệu
+ Cây bonsai
+ Cây ăn trái
+ Hoa cảnh
+ Rau sạch
2. Đất sét
Là một loại đất đặc trưng tại một số vùng đồi núi, gần biển và vài tỉnh đồng bằng ở Việt Nam, đất sét rất dẻo và dính khi ướt nhưng lại rất cứng khi khô.
Đất sét có thành phần cơ giới gồm: Từ 0% – 45% cát, 0% – 45% mùn, 50% – 100% sét tuỳ khu vực.
Vì tính chất dẻo, dính bởi thành phần sét nên đất sét là loại đất rất khó thấm nước nhưng lại giữ nước rất tốt, thoát khí kém.
Ưu điểm của đất sét
+ Có khả năng giữ nước, giữ phân tốt.
+ Nhiệt độ trong đất sét thay đổi chậm hơn so với nhiệt độ không khí.
+ Tỷ lệ mùn nhiều hơn đất cát.
+ Nhiệt độ ổn định hơn đất cát.
+ Hấp thu các loại chất dinh dưỡng tốt do chứa nhiều keo.
+ Giàu chất dinh dưỡng hơn đất cát.
+ Chất hữu cơ phân giải chậm trong đất sét.
+ Thành phần mùn và đất trong đất sét kết hợp nhau tạo thành một phức hợp bền vững.
Nhược điểm của đất sét
+ Đất sét giữ quá chặt các chất dinh dưỡng khiến cây khó hấp thu dinh dưỡng.
+ Đất sét khó thấm nước, giữ nước ở tầng dưới khiến cây trồng dễ rơi vào tình trạng ngập, úng gây ra thối rễ hoặc làm hư đỉnh sinh trưởng rễ cọc.
+ Đất sét có khả năng thoát khí kém.
+ Đất sét nghèo chất hữu cơ.
+ Đất sét rất cứng khi khô, gây tốn nhiều công sức trong việc cày bừa, làm đất.
3. Đất cát
Đất cát được biết đến là loại đất có nhiều hạt cát rời rạc, khi chạm tay vào cảm giác sạn. Đây là loại đất thô với thành phần cơ giới từ 80% đến 100% là cát, mùn và đất sét chỉ chiếm từ 0% đến 10%.
Ưu điểm của đất cát
+ Thấm nước rất nhanh và dễ thoát nước.
+ Thoáng khí. Trong đất cát có vi sinh vật háo khí hoạt động mạnh mẽ.
+ Dễ cày bừa và ít tốn công.
Nhược điểm của đất cát
+ Khi đất khô thì rời rạc, còn khi ướt thì đất bí và dính chặt
+ Giữ nước, giữ phân kém
+ Vi sinh vật trong đất kém phát triển, cỏ mọc nhanh.
+ Dễ xảy ra tình trạng khô hạn.
+ Chất hữu cơ trong đất cát thường bị phân giải nhanh đó chính là lý do đất cát thường ít mùn.
Nếu bà con nông dân muốn cải tạo đất cát để trồng cây hiệu quả, cần phải tốn công bón phân hữu cơ nhiều lần, vùi sâu. Lúc cày sâu cần lật sét và bón thêm bùn ao, nước phù sa và phân hữu cơ vào.
4. Đất phù sa
Mệnh danh là loại đất trồng cây tốt nhất, đất phù sa được biết đến là dạng đất được hình thành do chịu ảnh hưởng của những yếu tố môi trường như sự phong hoá của đá, sự phân huỷ của xác động thực vật.
Đất phù sa có các thành phần dinh dưỡng tự nhiên, đa dạng như chất hữu cơ, chất vô cơ, chất khoáng, vi lượng, đa lượng, các hạt keo liên kết đất và các loại vi sinh vật phong phú tạo nên một môi trường thuận lợi để cây trồng phát triển tốt.
Ở Việt Nam, đất phù sa có nhiều tại những bãi bồi men theo các dòng sông với hàm lượng phù sa màu mỡ gồm thành phần đất keo và đất sét tự nhiên được bồi đắp hằng năm.
Ưu điểm của đất phù sa
+ Giữ nước vừa phải, giúp cây có thể hấp thu chất dinh dưỡng hiệu quả. Từ đó đẩy nhanh quá trình sinh trưởng của cây, giúp cây đạt năng suất cao trong mùa vụ.
+ Đất phù sa không lẫn các chất gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, không chứa mầm cỏ dại, côn trùng gây hại.
+ Đất phù sa giàu chất dinh dưỡng, giàu hàm lượng Mg, Ca tự nhiên cao.
+ Đất phù sa giữ nước lâu nhưng với lượng đất vừa phải, không gây ngập úng cho cây.
+ Đất phù sa có khả năng thoáng khí vừa đủ, độ ẩm vừa đủ nhờ vào sự liên kết của các hạt keo với các thành phần trong đất phù sa.
+ Nhiệt độ và chất dinh dưỡng trong đất phù sa nằm ở mức ổn định, phù hợp cho cây trồng phát triển tốt.
+ Đất phù sa tạo điều kiện thuận lợi để nông dân trồng trọt, canh tác mà không mất quá nhiều chi phí cải tạo và bón phân như các loại đất trồng khác.
Nhược điểm của đất phù sa
Đất phù sa dường như không có nhược điểm gì trong quá trình canh tác, trồng trọt.
Cây trồng phù hợp
Là loại đất trồng tốt nhất, phù hợp nhất với sự sinh trưởng và phát triển của thực vật, đất phù sa là loại đất thích hợp để trồng trọt, canh tác cho hầu hết các loại cây trồng. Đất phù sa sẽ giúp cho cây trồng đạt được mùa vụ bội thu, hoa thơm, quả ngọt, rau đậm vị, tươi xanh mà không cần phải bón phân hoá học.
5. Đất đỏ (đất bazan)
Đất đỏ còn biết đến là đất đỏ bazan, là một loại đất đặc trưng của đồi núi Tây Nguyên của Việt Nam. Đất đỏ được hình thành từ núi lửa phun trào và trải qua thời kỳ phong hoá.
Đất đỏ có độ pH thấp, giàu oxit sắt và nhôm, hàm lượng chất hữu cơ thấp, có thể nói đất đỏ là một loại đất chua.
Kết cấu của đất đỏ đa dạng, có cả cát, sét nhưng phần lớn là đất thịt.
Đất đỏ là một trong những loại đất dùng để trồng cây công trình phổ biến nhất hiện nay với khả năng giữ ẩm cực tốt. Đồng thời đây là một loại đất tơi xốp có thể giữ được độ tơi xốp của mình trong một quãng thời gian dài. Đất đỏ là loại đất có màu nâu đỏ khá bắt mắt.
Ưu điểm của đất đỏ
+ Có khả năng thoát nước tốt, tơi xốp, mịn, thoáng khí nhanh.
+ Có hàm lượng vôi cao, có sắt nhôm và tính acid cao.
Nhược điểm của đất đỏ
+ Cần bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của các loại cây trồng phù hợp, nhằm giúp cây phát triển tốt.
+ Cần đảm bảo nguồn nước tưới cho đất đỏ vì khi thiếu nước, kết cấu đất sẽ bị rời rạc.
Cây trồng phù hợp
Đất đỏ thích hợp trồng nhiều loại cây đa dạng
+ Cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, chè,…
+ Cây ăn trái: dâu, bơ, sầu riêng, hồng, cam, quýt, mắc ca,…
+ Các loại rau màu: cải, súp lơ, xà lách
+ Các loại cây lấy củ: khoai lang, khoai tây, cà rốt, củ cải trắng, củ cải đường, hành tây,…
6. Đất phèn
Đất phèn còn được biết đến là đất chua mặn với độ pH đất rất thấp nhưng lại có lượng chất độc Al3+, Fe2+ và SO42 rất cao.
Đất phèn không có khả năng tự làm sạch bởi khả năng trao đổi và đệm của môi trường đất đã bị phá huỷ.
Động vật, thực vật và vi sinh vật cũng không thể sống trên môi trường đất phèn.
Ưu điểm của đất phèn
Đất phèn được xem là loại đất xấu nhất trong các loại đất trồng cây, chính vì thế, loại đất này gần như không có ưu điểm nào và thậm chí không mang lại cho cây trồng một điều kiện thuận lợi nào để phát triển.
Nhược điểm của đất phèn
+ Có độ pH thấp tạo môi trường không thuận lợi để cây trồng sinh trưởng.
+ Đất thiếu dinh dưỡng, đất không thể tự cải tạo.
+ Tốn nhiều chi phí và thời gian để cải tạo đất phèn.
Cải tạo đất phèn
+ Dùng vôi nâng pH, tủa sắt.
+ Dẫn nước vào rửa phèn.
+ Lưu ý pH cải tạo trên 5 để hạn chế tác dụng của ion phèn.
YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐẤT TRỒNG CÂY
Đất là môi trường sinh sống và phát triển của cây trồng. Đất khỏe là cây trồng khỏe, đất khỏe giúp giảm chi phí canh tác.
Các yếu tố của Đất cần lưu ý:
- Kết cấu đất
Kết cấu đất bao gồm: Sét, cát, thịt.
Kết cấu đất rất quan trọng đối với cây trồng bởi kết cấu đất quyết định đến khả năng giữ nước và chuyển hoá chất dinh dưỡng cho cây.
Nếu đất mất kết cấu tự nhiên, bị thoái hoá, chai cứng, nén dẽ và thiếu độ tơi xốp thì nước sẽ không được giữ lại lượng vừa đủ hoặc nước bị giữ lại quá nhiều, không thoát nước gây tình trạng ngập, úng, gây thối rễ cũng như ảnh hưởng đến sự chuyển hoá chất dinh dưỡng của cây trồng.
Nếu đất bị chai cứng, nén dẽ tạo ra điều kiện yếm khí (không có oxy) sẽ ức chế sinh vật có lợi cho đất, tạo điều kiện vi sinh vật có hại (vi sinh yếm khí) phát triển.
- Độ pH đất
Độ pH của đất cao hay thấp đều ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và trao đổi chất dinh dưỡng của cây, ảnh hưởng đến hệ sinh vật của Đất.
pH đất thấp tạo điều kiện thuận lợi để các nấm bệnh có hại phát triển, tấn công gây hại cây trồng. pH đất thấp (pH<5) ức chế vi sinh, sinh vật có lợi phát triển
pH đất thấp (pH<5) làm cho ion Al3+, Fe2+ linh động gây ngộ độc cây trồng. Đồng thời làm giảm hấp thu phân bón.
Bón phân hữu cơ làm cho đất có hệ đệm, giúp đất giữ pH ổn định.
- Nước – Độ ẩm
Nước là thành phần không thể thiếu của Đất. Nước giúp hoà tan chất dinh dưỡng trong đất từ đó thông qua rễ, cây có thể vận chuyển và hấp thu chất dinh dưỡng từ trong nước để nuôi cây. Đồng thời nước giúp đất có ẩm để vi sinh, sinh vật trong đất phát triển.
- Không khí
Không khí là thành phần giúp cho sinh vật, vi sinh có lợi trong đất phát triển.
- Sinh vật – Vi sinh trong đất
Sinh vật-vi sinh đất giúp:
+ Đất chuyển hóa các chất hữu cơ khó tiêu thành dễ tiêu cho cây trồng.
+ Phân hủy các chất độc như Paclorbutrazol, thuốc Bảo vệ thực vật,…
+ Ức chế các vi sinh vật gây hại cho cây trồng.
Lưu ý:
+ Vi sinh trong đất chỉ có khả năng phân hủy 1 lượng nhỏ thuốc Bảo vệ thực vật trong đất.
+ Nếu nồng độ thuốc Bảo vệ thực vật trong đất quá cao sẽ ức chế, tiêu diệt vi sinh, sinh vật có lợi trong đất.
LÀM SAO TRÁNH NÉN DẼ ĐẤT
Nén dẽ đất là hiện tượng đất bị chai cứng, bạc màu do sự thoát nước trong đất theo thời gian và do quá trình canh tác, trồng trọt không đúng cách của con người.
Khi đất nén dẽ:
+ Ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của rễ, rễ cây không phát triển hoặc phát triển chậm để hút chất dinh dưỡng tốt và thậm chí đất nén dẽ có thể khiến rễ cây bị chết non.
+ Tạo điều kiện yếm khí khiến sinh vật-vi sinh vật có hại phát triển gây hại cho cây trồng.
+ Chất độc của quá trình canh tác như Paclorbutrazol, thuốc Bảo vệ thực vật không thể phân hủy do vi sinh có lợi bị ức chế và tiêu diệt.
Nguyên nhân khiến đất nén dẽ
+ Thói quen canh tác của nông dân.
+ Lạm dụng phân bón hóa học có chứa ure, amoni (NH4+), NPK có chứa amoni (NH4+) gây chua đất, pH đất thấp
+ Lạm dụng thuốc Bảo vệ thực vật, Paclorbutrazol… gây ô nhiễm đất, ức chế và tiêu diệt sinh vật-vi sinh có lợi. Paclorbutrazol trong đất nếu không có vi sinh phân hủy thì ảnh hưởng đến đất từ 3-5 năm.
+ Phun thuốc diệt cỏ, làm cho đất không có thảm thực vật để giữ ẩm và cỏ phát triển giúp giảm nồng độ chất độc tự do trong đất như kim loại nặng, thuốc Bảo vệ thực vật,…Đồng thời loại bỏ cỏ khiến tuyến trùng mất nơi cư trú, tuyến trùng tấn công vào rễ cây trồng.
+ Đất không thoát nước tốt, gây ngập úng, tạo điều kiện yếm khí khiến vi sinh không phát triển.
+ Đất không bón hữu cơ hoặc hữu cơ quá ít, vi sinh vật không có thức ăn để phát triển và đất không có hệ đệm để giữ pH.
+ Đất không có hữu cơ, đất bị xói mòn.
+ Rửa trôi, xói mòn đất do mưa, do phun tưới.
+ Cỏ giúp hạn chế quá trình rửa trôi.
Biện pháp để tránh nén dẽ đất
Cần thực hiện những biện pháp sau đây để tránh nén dẽ đất:
+ Không xài thuốc cỏ. Duy trì cỏ, cắt cỏ và để cỏ lại mặt đất để phục hồi đất.
+ Đào mương, rãnh để thoát nước tốt trong mùa mưa.
+ Sử dụng nhiều phân hữu cơ hoai mục để đất tơi xốp.
+ Hạn chế sử dụng phân bón hoá học hoặc sử dụng đúng loại phân bón hóa học phù hợp với chất lượng đất.
+ Bón vôi để cải tạo đất theo định kỳ nếu đất chua.
+ Luôn kiểm tra pH đất định kỳ.