Những hậu quả của việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp đã lộ rõ nhiều bất cập như: đất đai bạc màu, sâu bệnh càng tiến hóa để thích ứng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Cho nên, thời gian gần đây cả thế giới đều hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, trong đó có Việt Nam. Xu hướng này được nhà nước rất chú trọng và khuyến khích.
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Vệ sinh an toàn thực phẩm không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống mà còn quyết định uy tín của thương hiệu sản phẩm thực phẩm. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của một loại thực phẩm được quyết định bởi tất cả các công đoạn mà công đoạn đầu tiên là sản xuất, tiếp đến là chế biến, bảo quản, lưu thông đến tay người tiêu dùng.
Hiện nay, thực phẩm sạch được người dân đặc biệt chú ý quan tâm, vì nó liên quan đến sức khoẻ con người. Vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và hoá chất trong rau còn cao, đang là mối lo chung của toàn xã hội. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều quá mức cần thiết vẫn còn xảy ra thường xuyên tại một số địa phương, ảnh hưởng lâu dài tới môi trường sống, nguồn nước ngầm và đất đai.
Trong những thâp kỷ gần đây, nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng kể về năng suất, sản lượng, chủng loại và quy mô sản xuất...; đã tạo ra một khối lượng sản phẩm rất lớn đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta đang đứng trước những thách thức không nhỏ đó là: vấn đề ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật ở người, bùng phát sâu bệnh do sự phá huỷ hệ sinh thái xuất phát từ việc sử dụng quá nhiều hóa chất.
Để khắc phục những nhược điểm trên, nông nghiệp nước ta đang từng bước chuyển dịch sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Trên thị trường, người dân đã biết đến và đang làm quen dần với các sản phẩm nông sản sạch như: rau sạch, rau an toàn và một số hoa quả, thực phẩm an toàn.
Nông nghiệp hữu cơ là một hình thức canh tác nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc. Nông nghiệp hữu cơ chính là giải pháp lớn để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch.
Mục đích hàng đầu của nông nghiệp hữu cơ là tối đa hóa sức khỏe và năng suất của các cộng đồng độc lập về đời sống đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người.
Theo tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế IFOAM (tổ chức thế giới về nông nghiệp hữu cơ): "Vai trò của nông nghiệp hữu cơ, dù cho trong canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng, là nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật từ các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người."
Nông dân toàn thế giới (trong đó có Việt Nam) đều chọn sản xuất Nông nghiệp hữu cơ là vì: Sức khoẻ của cả gia đình họ/ Thu nhập cao hơn/ Môi trường tốt hơn/ Thực phẩm an toàn hơn.
Người tiêu dùng chọn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vì sản phẩm hữu cơ không có chất thải từ thuốc trừ sâu và chất kích thích tăng trưởng trong sản phẩm hữu cơ. Rau quả hữu cơ có vị ngon hơn, nhiều dinh dưỡng hơn và bảo quản được lâu hơn. Rau quả hữu cơ có chứa nhiều chất chống ôxy hoá có tác dụng chống các bệnh ung thư hơn các loại thực phẩm canh tác theo phương thức thông thường.
Sự khác biệt rõ nhất giữa các loại sản phẩm hữu cơ với sản phẩm sạch, an toàn khác là quy trình sản xuất: Sản xuất các sản phẩm hữu cơ không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hoá học, nguồn thức ăn trong chăn nuôi là nguồn thức ăn tự nhiên. Trong khi quy trình sản xuất rau quả và sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn vẫn sử dụng một số lượng nhất định thuốc trừ sâu và phân bón hoá học, thức ăn tăng trọng và các chất kích thích trong chăn nuôi.
Dựa trên tiêu chuẩn IFOAM chúng ta đang nghiên cứu xem xét ban hành các nguyên tắc canh tác hữu cơ ở Việt Nam. Các nguyên tác đó là:
1. Tất cả các loại phân bón hóa học đều bị cấm dùng.
2. Cấm dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
3. Cấm dùng các loại hormon tổng hợp (thuốc kích thích sinh trưởng).
4. Các thiết bị canh tác (bình phun thuốc trừ sâu, cuốc,…) đã dùng trong canh tác truyền thống không được sử dụng trong canh tác Hữu cơ.
5. Nông dân phải duy trì việc ghi chép lại các nguồn của tất cả các khoản vật tư (giống, phân bón,…) dùng trong canh tác.
6. Các cây trồng trong các ruộng hữu cơ phải khác với khác cây trồng trong các ruộng truyền thống.
7. Một vùng cách ly (hoặc một vùng ngăn cản) cần phải được thiết lập nhằm để tránh việc nhiễm bẩn từ bên ngoài vào. Vùng cách ly này có thể là một con đê, con mương thoát nước hoặc một hàng cây nhằm sàng lọc nhiễm bẩn. Cây trồng cách ly phải gồm hai hàng rào và cao hơn loại cây trồng truyền thống. Các loại cây trồng làm hàng rào cách ly phải khác với cây trồng trong ruộng Hữu cơ.
8. Ngăn cấm phá rừng nguyên sinh để canh tác Hữu cơ.
9. Các loại cây trồng ngắn ngày (lúa, rau, ngô,…) phải có ít nhất 12 tháng chuyển đổi. Cây trồng lâu năm được gieo trồng sau giai đoạn chuyển đổi được coi là cây trồng Hữu cơ.
10. Các loại cây trồng lâu năm (chè, cà phê…) phải có ít nhất 18 tháng chuyển đổi. Các cây trồng ngắn ngày được thu hoạch sau giai đoạn chuyển đổi được coi là sản phẩm Hữu cơ.
11. Cấm sử dụng các loại giống cây chuyển đổi gen.
12. Tốt nhất nên sử dụng hạt giống hữu cơ và các nguyên liệu hữu cơ.
13. Cấm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để xử lý hạt giống trước khi gieo trồng.
14. Phân bón hữu cơ phải được sử dụng theo cách tổng hợp (ví dụ: phân ủ, phân chuồng, phân xanh).
15. Cấm đốt cành cây, rơm rạ (trừ trường hợp đối với kiểu du canh đất dốc).
16. Cấm dùng phân bắc (phân người) trong sản xuất Hữu cơ.
17. Phân gà từ các trại gà công nghiệp được phép sử dụng trong canh tác Hữu cơ song phải được ủ kỹ ở nhiệt độ cao. Phân gà từ các cơ sở nuôi gà ngay trên mặt đất được phép dùng.
18. Phân ủ đô thị không được phép dùng.
19. Nông dân phải có những biện pháp nhằm ngăn ngừa xói mòn đất màu và tình trạng nhiễm mặn đất.
20. Túi và các vật dụng đựng được sử dụng để vận chuyển và lưu kho sản phẩm Hữu cơ đều phải mới và sạch. Túi nilon tổng hợp cũ không được phép dùng.
21. Không được phép phun các loại thuốc trừ sâu cấm sử dụng trong kho chứa nông sản.
22. Được phép sử dụng thuốc trừ sâu sinh học trong sản xuất nông nghiệp Hữu cơ.
Lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam mới chỉ chiếm vị trí rất nhỏ nên chi phí cho sản xuất, vận chuyển, chế biến và bán ra thị trường sẽ có giá rất cao. Hơn nữa, quá trình ủ phân cần nhiều sức lao động - phải thu gom các chất thải đồng ruộng và các loại cây làm phân xanh, cắt nhỏ rồi ủ chung với phân chuồng và chất lên men. Thời gian ủ lâu, phức tạp và kỳ công hơn so với sử dụng phân hóa học. Điều này khiến cho nhiều hộ dân dù thấy được tính hiệu quả nhưng còn ngần ngại áp dụng, do vậy, khó lòng duy trì mô hình sản xuất hữu cơ lâu dài được.
Ngoài ra, các sản phẩm của canh tác hữu cơ do không sử dụng thuốc kích thích nên hình thức không "bắt mắt" khó thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Sản phẩm hữu cơ lại chưa được phổ biến rộng rãi; chưa có giấy chứng nhận sản phẩm an toàn nên giá bán không cao hơn, thậm chí chỉ bằng các loại rau an toàn. Hơn nữa, do chưa có tiêu chuẩn về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nên người tiêu dùng chưa có căn cứ phân biệt sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ với các sản phẩm thông thường khác.
Nhìn chung, canh tác hữu cơ sẽ cải thiện và duy trì cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức và gây ô nhiễm cho các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn lực không thể tái sinh, sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại, và có chất lượng cao,… Ngoài ra, còn đảm bảo, duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là các chu trình dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng dựa trên việc phòng ngừa thay cho cứu chữa, đa dạng các vụ mùa và các loại vật nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương.
Nguồn: Daknong.gov.org