1. Đất trồng
Đất trồng măng tây tốt nhất là đất thịt nhẹ, tơi xốp, giàu chất hữu cơ, đất phù sa mới, bồi ven sông, đất cát pha, có tầng canh tác dày 40-50cm; pH=6,5-7,5; mực nước ngầm phải sâu >1m; Tầng canh tác dày >100-150cm; thế đất cao ráo, thoát nước tốt, đất bằng phẳng không triền dốc quá 10%, không bị ngập úng, không nhiễm phèn, nhiễm mặn. Hàm lượng các kim loại nặng không vượt quá giới hạn cho phép quy định tại quy chuẩn QCVN 03-MT:2015/BTNMT.
Ảnh minh họa |
2. Giống và cây con giống:
* Giống:
- Lựa chọn các giống măng tây phù hợp với vùng sinh thái, có tiềm năng năng suất cao, khả năng chống chịu tốt và đáp ứng được yêu cầu thị trường.
- Hạt giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng có chất lượng đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận (đối với hạt giống thuần) và cấp F1 (đối với hạt giống lai) theo quy định đối với hạt giống rau hiện hành.
* Kỹ thuật sản xuất cây giống
- Ươm cây giống trực tiếp trên đất:
+ Chọn đất nơi cao ráo, chủ động tưới tiêu, lên luống rộng 12 m2 , dải một lớp giá thể tơi xốp dầy 30 cm. Giá thể làm vườn ươm được trộn theo tỷ lệ 1/4 đất + 1/4 phân chuồng + 1/4 cát sạch + 1/4 trấu hun. Nên dùng vòm che thấp hoặc làm trong nhà lưới, nhà kính.
+ Lượng hạt giống cho 1.000 m2 vườn ươm là 0,5 - 0,7 kg hạt giống.
+ Xử lý hạt giống trước khi đem gieo: Phơi trong nắng nhẹ khoảng 2h, rửa sạch, ngâm trong nước ấm khoảng 45-50 độ C trong vòng 12-14 giờ, vớt ra, rửa sạch và đem ủ hạt trong cát ẩm (đã được làm sạch và khử trùng), để trong điều kiện 24-25 độ C đến khi nhú nhầm rễ dài 0,5-1 mm thì đem đi reo. Dùng vật nhỏ kéo từng rãnh dài trên mặt luống cho chiều sâu khoảng 1,5cm. Đặt hạt vào rãnh với khoảng cách cây-cây: 15cm, các rãnh cách nhau 10cm. Lấp đất bằng mặt luống.
- Ươm giống trong bầu nilon: chọn giá thể, xử lý và ngâm ủ tương tự như với gieo trực tiếp vào đất. Tuy nhiên, ươm bằng túi bầu thì giá thể được đựng trong các túi bầu có đục lỗ với các kích thước khác nhau tùy theo thời gian ươm bầu (thời gian ươm 6 tuần: sử dụng túi có kích thước 8x12 cm, thời gian ươm 8 tuần sử dụng túi bầu có kích thước 10 x 15 cm, thời gian ươm bầu 12 tuần sử dụng túi bầu có kích thước 15 x 20 cm).
- Kỹ thuật chăm sóc cây giống:
Tưới nước: sử dụng nước sạch tưới cho cây giống. Thường xuyên giữ ẩm cho cây.
Trước khi xuất vườn 3-4 ngày thì ngừng tưới nước. Với cây gieo trực tiếp thì trước khi nhổ 3-4 giờ thi tưới ẩm để không làm tổn thương bộ rễ của cây.
Định kỳ bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng cách hòa loãng phân tổng hợp NPK 16.16.8 với nồng độ 0.5% (50 g/10 lít nước) để tưới.
+ Nên nhổ cây xuất vườn vào sáng sớm hoặc chiều mát, cần nhổ cây nhẹ nhàng tránh dập nát.
+ Tiêu chuẩn cây con khi xuất vườn: cây khỏe mạnh, cao từ 50-70 cm, có 3-5 nhánh thân, có >10 rễ thật; tuổi cây con khi xuất vườn lừ 60-90 ngày tuổi tuỳ thuộc vào giống, điều kiện ươm và chăm sóc bầu cây con.
3. Thời vụ:
- Thời vụ ươm giống: Tiến hành trước khi trồng từ 8-12 tuần.
- Thông thường việc ươm giống, trồng măng tây thường tiến hành vào hai thời vụ chính:
+ Vụ thu đông: gieo hạt vào cuối tháng 8 đến dầu tháng 9 để trồng vào tháng 2, tháng 3 năm sau.
+ Vụ xuân hè: gieo hạt vào cuối tháng 2- tháng 4 để trồng từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch.
4. Kỹ thuật trồng
* Làm đất:
Trước khi trồng, phải cày sâu 20 - 25cm, cày hai lần cách nhau khoảng 10 ngày. Tuỳ theo chất đất.
Đất lên luống rộng 100cm x cao 20cm, rãnh 20 cm.
Bón 1.200 - 1.500 kg vôi bột/ha. Bón lót 30 tấn phân chuồng hoai mục + 300kg NPK 16.16.8.
* Trồng cây :
- Trồng hàng đơn: hàng cách hàng l,2m; cây cách cây: 60-70 cm.
Mật độ cây/ha: 13.000-15.000
- Cách trồng: Ở giữa mặt luống đất trồng đã chuẩn bị sẵn, tiến hành cuốc đất thành một rãnh dài hố trồng rộng 50cm x sâu 25cm, rồi đào trộn đều đất với phân hữu cơ bón lót trong hố. Cẩn thận rạch bỏ bao nilon bầu giống, giữ nguyên bầu giá thể cây con đặt ngay ngắn vào hố trồng, mặt bầu ngang với mặt đất trồng.
Sau khi trồng cây xong, cần lấy đất 2 bên mép luống đất trồng để phủ một lớp đất mặt dày khoảng 8-10cm cho những gốc cây đã trồng, kết hợp tạo mặt luống đất trồng dốc nghiêng về hai bên mép luống để thoát nước, rồi tiến hành tưới nước hàng ngày bằng phương pháp tưới nhỏ giọt để giữ ẩm, hạn chế cỏ dại phát triển.
5. Phân bón và chất phụ gia:
* Chỉ sử dụng các loại phân bón và chất phụ gia trong danh mục phân bón được phép sản suất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam; ưu tiên lựa chọn các loại phân hữu cơ đã qua xử lý, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh. Tuyệt đối không sử dụng các loại phân bón có nguy cơ ô nhiễm cao như phân bắc, phân chuồng tươi, nước giải, rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp chưa qua xử lý và kiểm tra chất lượng theo quy định.
* Lượng phân bón và phương pháp bón (tính cho 01 ha)
- Bón thúc giai đoạn tạo cây:
+ 15 ngày bón phân 1 lần
+ Lượng phân bón sử dụng: 100 kg phân NPK 16.16.8
- Bón thúc giai đoạn dưỡng cây mẹ thay thế
+ Lần 1: tiến hành sau khi tạm ngưng thu hoạch lứa măng tơ 15 ngày, lượng bón: 400 kg NPK 16.16.8.
+ Lần 2: tiến hành sau lần 1 khoảng 20 ngày, lượng bón: 12 tấn phân chuồng hoai mục + 400 kg NPK 16.16.8.
- Bón thúc trong chu kỳ thu hoạch: cần bón thúc đều đặn 20 ngày 1 lần, lượng phân sử dụng là 200 kg NPK 16.16. 8.
6. Chăm sóc
* Tưới và thoát nước cho măng tây:
- Có thể sử dụng các nguồn nước mặt tự nhiên hoặc nguồn nước ngầm để tưới cho măng tây nhưng nước tưới phải đảm bảo các tiêu chí:
+ Phải định kỳ kiểm tra 1 lần/năm.
+ Việc lấy mẫu nước tưới, kiểm tra chất lượng phải do người, cơ quan được công nhận, chỉ định thực hiện.
+ Nước tưới phải đảm bảo chỉ tiêu dư lượng kim loại nặnng và hàm lượng vi sinh vật ở ngưỡng cho phép tại quy chuẩn QCVN 08-MT:2016/BTNMT.
- Có thể sử dụng phương pháp tưới rãnh, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt. Tuy nhiên, tốt nhất nên sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước tưới, hạn chế dịch hại và tăng năng suất, chất lượng của măng tây.
Tốt nhất nên tưới vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối mát. Trong thời gian thu hoạch măng thì tốt nhất nên tưới vào buổi sáng sớm sau khi thu hoạch măng, không nên tưới vào buổi chiều để tránh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của măng.
- Thoát nước: trong trường hợp mưa kéo dài liên tục thì phải dùng bơm để thoát nước ra ngay tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ rễ măng.
* Làm cỏ cho măng tây:
Chủ động làm sạch cỏ dại trên đất trồng măng trước khi đưa cây ra trồng.
Kết hợp vun xới, làm cỏ với mỗi chu kỳ bón phân.
* Làm giàn đỡ cây
Tiến hành làm ngay sau khi cây đã được trồng ra ruộng sản xuất
- Nguyên liệu làm:
+ Cọc căng dây: có thể sử dụng cọc tre, cọc bê tông, cọc sắt hộp. Tùy loại cọc mà chiều cao của cọc có thể dao dộng từ 1,2 - 2m, khoảng cách chôn cột là từ 5 -10 m.
+ Dây đỡ cây: có thể sử dụng các loại dây khác nhau như dây cước, dây nilon, dây cáp điện thoại, dây cáp thép bọc vỏ nhựa... Tốt nhất nên căng 2 tầng dây đỡ, tầng 1 cách mặt đất 70 - 80 cm, tầng hai cách tầng một 30 - 40 cm.
* Cắt tỉa cành nhánh: thường xuyên tỉa bỏ những cây ốm yếu, bị sâu bệnh chậm phát triển, cây đổ ngã, cây nhỏ, cây già để tránh cạnh tranh dinh dưỡng, chỉ để lại 4-6 cây mẹ to khỏe/1 bụi. Khi ruộng măng bắt đầu cho thu hoạch cần cắt bớt ngọn cây chỉ giữ lại chiều cao từ l-l,2m tỉa bỏ bớt lá gốc ở khoảng cách 30 - 40 cm cho dễ thu hoạch măng.
7. Phòng trừ sâu bệnh hại
- Cần áp dụng tối đa các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM: Quản lý cây trồng tổng hợp nhằm hạn chế thấp nhất việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật như: sử dụng giống có khả năng kháng tốt với nhiều loại sâu, bệnh hại; trước khi trồng cần làm đất sớm, vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại... để diệt trừ các mầm mống sâu, bệnh hại trong đất; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh hại sớm.
- Khi bắt buộc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì cần tuân thủ các nguyên tắc về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.
- Sau mỗi lần làm cỏ bón phân cần tiến hành phun thuốc phòng tuyến trùng, nấm bệnh sâu hại cây. Cần chú ý phòng trừ kịp thời một số đối tượng dịch hại như sâu ăn lá, bọ trĩ, rệp... các bệnh thán thư, mốc sương, phấn trắng, thối rễ, đốm lá, thối măng... vào mùa mưa măng tây rất dễ bị một số bệnh hại như: Thán thư, phấn trắng, sương mai, thối rễ, đốm lá... nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc từ thảo mộc và vi sinh nhằm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm khi thu hoạch.
Lưu ý: Trong thời gian thu hoạch măng tây không nên dùng các loại thuốc diệt cỏ, thuốc BVTV vì chồi măng tây xanh rất nhạy cảm với các loại thuốc độc này, có thể nên dùng lúc ngưng thu măng để dưỡng cây mẹ.
8. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản
* Thu hoạch:
Thời gian thu hoạch: thu hoạch lứa đầu sau trồng khoảng 4-5 tháng. Hàng ngày thu măng vào buổi sáng trước 8h sáng (mùa đông) và trước 7 giờ sáng (mùa hè).
Phương pháp thu hoạch: thu hoạch bằng tay, nắm sát gốc cây măng nghiêng 30 độ xoay và giật nhẹ. Có thể dùng kéo cắt chồi măng, sát phần thân ngầm dưới đất nhưng phải chú ý để hạn chế ảnh hưởng đến các chồi khác.
- Lưu ý: Chỉ thu hoạch lứa măng tơ trong vòng 1 tháng (phải thu hết kể cả cây không đạt chất lượng). Những lứa sau chu kỳ thu hoạch kéo dài 2,5-3 tháng, thu măng hàng ngày. Khi thấy đường kính thân măng nhỏ<5mm, cây mẹ già có dấu hiệu vàng úa thì ngưng thu hoạch tiến hành trẻ hóa vườn măng.
* Sơ chế: măng sau khi thu về cần rửa sạch đất cát nhưng không được để ướt đầu măng, xếp ngọn bằng nhau, cắt gốc theo tiêu chuẩn phân loại:
- Loại 1: dài 19 - 23cm, đường kính thân ≥ 8mm
- Loại 2: dài 19 - 23cm, 8mm ≥ đường kính thân ≥ 5 mm.
Sau khi phân loại, bó thành từng bó nhỏ có khối lượng từ 0,5 - 1,0 kg/bó tùy theo nhu cầu khách hàng, bao bọc kín bằng màng bọc thực phẩm rồi xếp gọn vào ngăn mát tủ lạnh hoặc để trong kho lạnh. Nếu có thể đóng thành từng túi nhỏ, hút hết không khí rồi hàn kín có thể bảo quản lâu hơn.
Lưu ý: hạn chế thu hoạch măng vào ngày mưa, nếu bắt buộc phải thu hoạch măng thì cần hong khô măng trước khi đóng gói và bảo quản.
*Bảo quản: tốt nhất là bảo quản lạnh để tránh mất nước, khi măng bị mất nước chất lượng và mẫu mã sẽ giảm sút.